Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
|
Sau khi học trò vào trường, cổng trường khóa lại, các quan họp ở nhà Thập đạo để ra đề mục, rồi đem yết ở "nhà bảng" mỗi vi, đánh trống báo hiệu cho sĩ tử biết mà đến chép đầu bài vào quyển thi trước khi làm bài.Lê Quý Ðôn cho biết theo sách Văn Tâm Ðiêu Long thì :"luận, thuyết, từ, tự đầu đề là Kinh Dịch ; chiếu sách, chương tấu gốc từ Kinh Thư ; phú, tụng, ca, tán thì Kinh Thi lập ra thể cách ; minh, châm, lụy, chúc khởi tự Kinh Lễ ; truyện, di, hịch khởi tự Kinh Xuân Thu" (1). Ngoài Ngũ Kinh, đầu đề còn lấy trong Tứ Thư. Thí dụ "Tắc hà dĩ tai ?" là trích trong Luận Ngữ : "Tử viết :'Dĩ ngô nhất nhật trưởng, hồ nhĩ vô dĩ dã'. Cư tắc viết :'Bất ngô tri dã. Như hoặc tri nhĩ, tắc hà dĩ tai ?' " (= Các anh cho là ta có chỗ lớn hơn các anh một ngày mà e ngại, nhưng đừng ngại. Ở nhà các anh thường nói :'Chẳng ai biết ta'. Nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng ?) (2).
Tựu chung đầu đề đều thường lấy trong kinh, sử, thời sự nhưng cũng có khi ra ngoài thông lệ. Năm 1834, Vua bảo các quan Nội các :"Ta muốn lấy Kinh thành làm đầu bài phú nhưng nghĩ sĩ tử ngày thường chỉ chuyên học sách sử nhớ được một, hai việc thời xưa thôi, còn sự thể triều đình và thể chế về điện, các, lâu đài ở Kinh thành sợ không làm được (3).
Phạm Ðình Hổ viết trong Vũ Trung Tùy Bút là "Từ Lê Trung Hưng trở đi thi Hương, thi Hội toàn thi văn chương, thi Ðình mới ra một bài chế sách" (4) e rằng không đúng sự thật. Dù thời Lê hay Nguyễn thì phép thi mỗi khoa đều có môn kinh nghĩa, và có khoa không thi thơ phú mà lại thi chiếu, chế, biểu vv.
Ðầu đề thơ phú cũng không phải để vịnh nguyệt hay ca tụng suối mây mà mục tiêu chính vẫn là vấn đề trị an và đạo đức.
Nam sử : Có đến 5, 6 sử gia viết là thời xưa học trò chỉ học Bắc sử (sử Trung quốc) và phải đợi người Pháp sang cải cách Khoa cử ta mới đem quốc sử vào chương trình học thi. Ðiều này cũng hoàn toàn sai (xin xem chương "Sách Học").
I - ĐỀ MỤC A - Ðề mục thời Hậu Lê
- Ðầu thời Hậu Lê, đề mục chỉ cần đại thể, nắm lấy chủ yếu, không chia tiết mục lặt vặt.
Thời Thiệu-bình (1434-9), Hồng-đức (1470-97), đề mục kinh nghĩa không cứ chương nào, không nệ thiên nào. Thí dụ : "Doanh doanh thanh đăng chỉ vu phàn " (= "con nhặng xanh kêu vo ve, đậu ở phên dậu"), ý nói người quân tử rất dễ bị tiểu nhân vu oan (ví như con nhặng vo ve), trích ở Kinh Thi (thơ Tiểu nhã). Bản dịch :
Vo ve đàn nhặng xanh,
Bu lại nơi hàng rào.
Người quân tử đứng đắn,
Chớ nghe lời tào lao.
Nó gièm pha không chán,
Bốn phương thành lao đao (5)."Thơ phú", "văn sách" có khi ra ở cố sự, có khi ở sách ngoài hoặc hỏi ngay chính sự đương thời, không dùng những điển hiểm bí. Thí dụ :
Chế : "Mệnh Lê Niệm vi Bình chương" = nói về Lê Niệm (làm quan dưới ba đời vua Lê Thái Tổ, Thánh Tông và Nhân Tông) năm 1462 được thăng chức Ðô đốc Bình chương (như Tể tướng).
Thơ phú : "Ðộ nghị kiều" (= bắc cầu để cứu giúp kiến) rút ở Tống sử : Nhà của Tống Giao có tổ kiến, mưa to kiến bị ngập, Tống Giao dùng cành lá tre bắc cầu cho kiến đi. Ý nói nên cứu giúp tất cả mọi sinh vật trong trời đất. Trần Tiến cho biết theo sách Âm chất thì người xưa cứu vớt lũ kiến được đỗ Trạng nguyên (6).
1711 "Trùng kiến" : Lệ cũ dùng đầu đề đặt sẵn lấy trong kinh sử gọi là Sư thư. Nhiều học giả soạn thành phiếu tóm tắt (thiếp quát) hay làm bài sẵn đem bán, học trò mua học thuộc lòng, đem vào trường chép nguyên văn. Quan chấm không câu nệ, cứ thấy văn hay là cho đỗ, trùng kiến (giống nhau) cũng mặc, người đỗ không có thực tài. Có khoa hơn 30 quyển giống nhau, một quyển chỉ vì viết nhầm chữ "quý" trên chữ "phú", quan trường cho là có ý kiến mới lạ, được phê ưu (7).
Cho nên Lê Quý Ðôn mới nói "Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi " (chỉ cần học thuộc lòng 1 000 bài thơ, 100 bài phú và 50 bài văn sách rồi theo đó sửa đổi ít nhiều là có thể đỗ). Ðể tránh mối tệ ấy, năm 1711 Chúa Trịnh ra lệnh cho các quan trường tùy ý ra đề, không được theo lối cũ (dùng đề có sẵn).
1721 Ngự đề : Trước kia do quan trường ra đề. Năm 1720, xét rằng trường 3 và trường 4 là kỳ quyết định, để phòng đề thi bị tiết lộ, Chúa Trịnh Cương triệu các quan Kinh đến Phủ Chúa nghĩ đề rồi cho chạy ngựa trạm chia cho các trường, duy hai trường Thanh-hoa, Nghệ-an ở xa nên cho phép quan Hiến sát được mở sách ra đề như cũ. Các trường ở tứ trấn (Sơn-nam, Sơn-tây, Hải-dương, Kinh-bắc) có "ngự đề" từ đấy.
- Ðầu đề bí hiểm : Từ đời Trung-hưng, các thân sĩ Thanh, Nghệ, vì loạn ly ít học, lại đố kỵ không muốn cho ai hơn mình nên thường chọn những đầu đề văn sách hiểm hóc, hỏi vặn vẹo, chia nhiều tiết mục. Trong tờ khải gửi Chúa Trịnh Sâm, Ngô Thì Sĩ trách quan trường chỉ "tìm tòi những câu hiểm hóc cốt hỏi mà học trò không nhớ thì mới là giỏi... không có gì là thực dụng đáng kể, cũng không có gì là tư tưởng khả quan" (8). Thí dụ :
- Ðầu thế kỷ 17, trường Sơn-nam, Nghè Bột tức Nguyễn Lại ra đề thi kỳ đệ nhị :"Dân an nghiệp sĩ an mưu phú " là lấy điển ở Tống sử :"Hà-bắc chi dân an nghiệp, Tất Sĩ An chi lưu dã" (= dân Hà-bắc được yên nghiệp là nhờ mưu kế của Tất Sĩ An). "Sĩ An" là tên người chứ không phải có nghĩa "kẻ sĩ" (9).
- 1743 Trường Nghệ, đề văn sách gồm 9 câu hỏi đố mẹo như :"Ông Thuấn là anh, là người tốt mà có em là Tượng lại ác, như thế chẳng hóa ra câu 'Gốc nhà là ở nơi mình' (Mạnh Tử ) là sai chăng ?". Hoặc :"Quản Trọng, Gia Cát, trị nước giỏi thế mà không làm nên công nghiệp lớn hóa ra câu 'Gốc thiên hạ là ở xứ mình' là sai chăng ?" (10).
- 1752 Năm ngoái thi lại Cống sĩ đề chia ra từng mục, từng điều hỏi nhiều câu thâm thúy khó khăn, giải nghĩa từng câu. Nhữ Ðình Toản ghét lối ấy xin cho văn sách cổ hỏi đại lược phải trái về chính trị thời cổ, văn sách kim hỏi thời vụ, làm thế nào cho hợp thời cơ. Tuy vậy, thể văn Hồng-đức (chỉ hỏi đại lược, không cứ ở chương nào, tùy ý đặt lời nên lấy được nhiều người tài giỏi, học rộng, hiểu sâu) cũng chỉ được thi hành có hai khoa, sau đó lại đưa ra từng mục, từng chương. Cuối đời Cảnh-hưng lại càng tủn mủn, tìm chương cú vụn vặt, không còn khí cách hùng hồn.
- 1777 Nhân dịp Vương tử Cán sinh, đề thi Hương kỳ 3 :"Sơn xuyên anh dục, hàhải tú chung phú" (= Khí thiêng liêng của núi sông tụ lại, sự tốt đẹp của khơi biển đúc nên). Sĩ tử làm bài đón ý tán tụng, có người viết lộ liễu :"Thiên ý, nhân tâm quy Trịnh" (= ý Trời và lòng người đều theo về họ Trịnh). Quyển bị đánh hỏng nhưng người thì được đem vào phủ dùng làm nội thần (11).
B - Ðề mục thời nhà Nguyễn
Ðề mục thời Nguyễn cũng tiếp tục lối hỏi bí hiểm như thời Lê Trung Hưng. Vũ Phạm Hàm làm Ðốc học Ninh-bình rồi Hà-nội, tuổi trẻ đỗ cao, vì có nhiều học trò đứng tuổi ra ý không phục nên thường chọn những đầu đề điển tích hiểm hóc, ý nghĩa ngoắt ngoéo cốt cho học trò phải khuất phục tài uyên bác của mình. Thí dụ một đề thi văn sách :"Ngụy du vân mộng, quả chấp tín phủ". Ai cũng tưởng nghĩa là "Vua Hán Cao Tổ giả đi chơi Vân-mộng có phải để bắt Hàn Tín không ?". Thật ra "chấp tín" không có nghĩa "bắt Hàn Tín" mà là "giữ điều tín", điển lấy trong Tả Truyện : "Nhân quân chấp tín, nhân thân chấp trung" (= làm vua phải giữ chữ tín, làm tôi giữ chữ trung) ý câu hỏi là "Vua Cao tổ giả đi chơi Vân-mộng có phải là giữ điều tín không ?" (12).
Cao Bá Quát thi Cử nhân gập đầu bài sát hạch :"Phó nê Trường lệ hà vật ?" (= Phó nê Trường lệ là gì ?) không trả lời được. Ðiển lấy ở Sự vật dị danh, "Phó nê, Trường lệ" là tên ngôi sao (13).
- 1835 Phép thi bỏ thơ phú, chỉ còn 3 trường. Ðề văn sách từ 300 đến 500 chữ, vì dài quá, học trò được miễn không phải chép lại vào quyển thi như những đề mục khác.
- 1847 Trường Thừa-thiên, đề mục Thơ :"Cúc thủy nguyệt tại thử" (= vốc nước trông thấy mặt trăng trong lòng bàn tay). Vua nói cảnh hư huyễn rất khó làm bài, đù cho chính tay Chủ khảo Ðỗ Quang làm chưa chắc đã hay được.
Khoa này Ông Ích Khiêm, 15 tuổi đỗ. Vua sai đòi đến ra ngự đề một bài thơ luật :"Thiếu niên đăng cao khoa" (= tuổi trẻ mà đỗ cao). Quyển dâng lên, vua dụ :"Có thể lấy được, chỉ hiềm tuổi còn ít, chưa thể cho ra làm quan, làm hại tư chất tốt. Chuẩn cho về quê học tập, đợi trưởng thành tiến lên cũng chưa lấy gì làm muộn (14).
- 1868 Trường Thừa-thiên, kỳ 3, Trần Hy Tăng, lĩnh Án sát Ninh-bình, để ra đề lấy điển giao thiệp với nước láng giềng, tôn trọng nước lớn, nước nhỏ, bàn về ba đức của Ôn công. Vua bảo là mượn việc ấy làm bàn riêng, bảo ngầm, giáng Hy Tăng, bổ tri phủ Bình-định, khiến cho việc học tập được hàm súc, thuần thục, sửa lại tâm tính, hiểu rõ lễ phép (15).
- 1884 Trước kia, kỳ Phúc hạch sĩ tử chỉ phải làm một bài thơ để so tự dạng với ba kỳ trước xem có đúng cùng một người viết hay không, từ 1884 phải thi một ngày đủ phép ba trường (kinh nghĩa, thơ phú và văn sách). Quan trường ra đề kỳ Phúc hạch rồi sai người sao chép, phát từng lều. Cấm sĩ tử không được ra khỏi lều.
- Chi tiết khoa 1891. Người Pháp sang mới chép rõ chi tiết các đề mục thi Hương. Sau đây là các đề mục khoa Tân Mão, trường Nam-định :
Kỳ 1 (2/11/1891, tức mồng 1 tháng 10 âm lịch) : Kinh nghĩa, 7 đề :
a - "Nhân dữ nghĩa" (Luận Ngữ ) = nhân và nghĩa.b - "Lục tam đức" (Kinh Thư ) = "Lục " là loại thứ 6 trong "Cửu trù", tức 9 pháp độ của Cơ tử nhà Ân trình bầy để trị thiên hạ ; "Tam đức" là chính trực, cương khắc và nhu khắc.
c - "Tê tể đa sĩ" (Kinh Thi ) = nhan nhản nhiều kẻ sĩ.
d - "Trịnh Bá sử Uyển lai qui Phường" (Kinh Xuân Thu) = Trịnh Bá sai Uyển đến nước Lỗ đổi đất Phường (thuộc đất Trịnh nhưng gần Lỗ) lấy ấp Hứa (thuộc Lỗ nhưng gần Trịnh).
e - "Cố thiên hạ quốc gia khả đắc chi chính giã " (Trung Dung) = cho nên thiên hạ và quốc gia có thể chính đáng mà không sai lệch được.
f - "Tần thệ Việt : nhược hữu nhất cá thần" (Kinh Thư ) = nếu có một người bầy tôi giỏi mà vua biết dùng thì có thể gây được nền thịnh trị cho nước.
g -"Dục vi thần tận thân đạo" (Mạnh Tử ) = muốn cho người làm tôi biết trọn bổn phận làm tôi.
Kỳ 2 (19/11/1891, tức ngày 18 tháng 10 âm lịch) thi thơ, phú :a - "Ðình liệu quang thi" , thất ngôn, đắc "đình" tự (Kinh Thi, Tiểu nhã) = Bóng đuốc đình liệu, thơ 7 chữ, vần "đình". (Thời xưa có việc quan trọng thì đêm đốt củi để soi sáng gọi là "đình liệu").Kỳ 3 (29/11/1891, tức ngày 28 tháng 10 âm lịch) : 1 đề văn sách rất dài.b - "Sạ hữu tự quân tử phú" (Luận Ngữ ) = trong thuật bắn cũng có lối bắn cho thấy cách cư xử của người quân tử.
Kỳ 4 Phúc hạch (6/12/1891, tức mồng 6 tháng 11 âm lịch) :
a - Kinh nghĩa : Tử viết "Sâm hồ ! ngô đạo nhất dĩ quán chi". Tăng Tử viết :"Dụy" (Luận ngữ ) = Khổng Tử nói :"Ngươi Sâm (tên của Tăng Tử) kia ơi, đạo của ta chỉ lấy một lý suy ra thì thông suốt được cả. Tăng Tử thưa :"Dạ".- Chi tiết khoa 1894 (trường Nam-định) do nhà văn J. Boissière ghi bằng tiếng Pháp, xin lược dịch :b - Phú : "Long Hổ bảng phú...", "đắc nhân" vi vận (chữ ở Vân kỳ loại lãm). Lục tuyên công làm Chủ khảo, chọn được bọn Hàn Dũ, Âu Dương Thiềm đều là những anh tuấn vĩ kiệt trong thiên hạ nên người ta gọi là "Long Hổ bảng".
c - Một đạo văn sách dài (16).
a - Hoàng đế ngự thăm các trường học.- Chi tiết khoa 1909 (trường Nam-định), khoa cải cách đầu tiên, ảnh hưởng thời Pháp trị. Tạm dịch từ tiếng Pháp :b - Thiên hạ thái-bình là nhờ có một chính phủ hay.
Làm thơ cũng quan trọng như chiến đấu.
c - Muốn có những công bộc tài giỏi tất phải tìm kiếm và khảo sát tài năng họ. Các quan đều nhìn nhận giá trị của vua Thuấn (là người hiền đức) thế mà vua Nghiêu còn thử thách vua Thuấn dòng dã ba năm bằng những công việc khó khăn.
d - Bất kể ta làm việc siêng năng, cần mẫn, hay không siêng năng, cần mẫn, tại sao luôn luôn có những hậu quả không lường trước được ? (17).
Kỳ 1 (13/11/1909): Làm 1 trong 5 đề văn sách (chữ Hán) :
a - Tu thân : Hai chữ "tu thân" lấy ở sách nào ? Trong Ðại Học, "tu thân" là trước hết phải mở mang sự hiểu biết, phải suy ngẫm, tìm hiểu mọi sự vật. Sách Trung Dung lại nói muốn thành người có đức phải hiểu rõ "đức" là gì. Ý nghĩa hai câu trên là thế nào ? Những sách Tây phương khi bàn về giáo dục, thể dục, trí dục, đức dục có những điều nào giống với sách Trung quốc không ?Kỳ 2 (25/11/1909) : 2 bài luận chữ Hán hỏi về Kinh, sử.b - So sánh sự nghiệp vua Nghiêu và Khổng Tử.
c - Ngũ thường : Hiền giả nói nếu biết dậy vợ thì biết trị nước, nếu được lòng tin của bạn hữu thì cũng sẽ được người trên tin dùng, hiền nhân phải làm tròn nhiêm vụ người cha để treo gương sáng cho mọi người.
Hãy bàn về ý nghĩa ba câu trên.
d - So sánh Khoa cử ở Trung quốc và Khoa cử thời nhà Lê.
e - Phép cai trị ở Ðông-dương vv.
Kỳ 3 (2/12/1909): 3 bài luận quốc ngữ hỏi về văn, địa dư, khoa học và tính đố. Các đề quốc ngữ do Phủ Thống sứ đặt ra Tòa Hội đồng chọn :
a - Một ông quan về hưu, người con trưởng được bổ chức Phủ quan ở một địa hạt khó khăn. Trước khi con đi nhậm chức, người cha khuyên con cách cư xử đối với dân chúng, với thượng cấp và nhất là đối với giới hữu trách người Pháp, làm cách nào để hoàn tất trách nhiệm, đem lại an ninh cho nước, nâng cao đời sống của dân.Kỳ thi tiếng Pháp (8/12/1909) dành cho những người tình nguyện :b - Thủ đô và những thành phố chính của các nước Ðông-dương. Sự giao thương với các lân bang.
c - Không khí, sự cấu thành. Gió và nguồn gốc của gió.
d - Tính đố : 1 thửa ruộng chiều dài 1 487 thước, chiều ngang 306 thước. Giá mua một mẫu là 175 đồng. Nếu một mẫu là 73 "ares" (1 are = 100 thước vuông) thì phải trả bao nhiêu tiền ?
1 bài chữ Pháp đơn giản, dịch ra quốc ngữ. Ðề do Tòa Khâm sứ soạn giao cho quan trường phát cho thí sinh mỗi người một bản.Kỳ Phúc hạch(11/12/1909) : 1 bài luận chữ Hán và 1 bài luận chữ quốc ngữ, đều hỏi đạo trị nước :a - Các đường giao thông (xe lửa, sông, sông đào vv.). Sự quan trọng và hữu ích về mặt kinh tế : chuyên chở hàng hóa, thổ sản ; giao thông dễ dàng với các nước khác ; tăng gia tài sản của nhà nước và của dân.b - Học tập đạo đức khiến những ông quan trở nên khoan nhân và dân chúng dễ trị.
II - VĂN BÀI Ðề mục Kinh nghĩa hỏi về ý nghĩa các Kinh sách (Tứ Thư, Ngũ Kinh) để xét học thuật của sĩ tử có uyên thâm không. Kinh học là cơ sở đào tạo quan liêu, tư tưởng cùng một khuôn. Tư tưởng cá biệt không những không cần mà còn bị coi là có hại vì không thống nhất.
Ðề mục Văn sách hỏi phép trị nước cổ và kim để xem kiến thức, tài năng.
Hỏi Sử, "Bách gia chư tử" để xét học vấn, kiến văn có quảng bác.
A - Thời Hậu Lê
Ðầu thời Hậu Lê, văn chương quý ở mạnh mẽ, hồn hậu. Từ đời Trung Hưng mới biến đổi dần.
- 1678 Ðịnh lệ thể cách làm văn phải hồn hậu. Nếu ý nghĩa nông nổi và hùa theo nhau thì nhất thiết đánh hỏng. Làm văn không đủ quyển, chữ viết không thành (bạch tự), xóa sót nhiều quá đều bỏ không chấm. Những chữ thực như chữ Kinh Truyện là lời Thánh hiền, nét chữ phải viết y như bản chính, nếu viết sai đều cho là chữ không thành. Còn các sách khác thì những chữ đồng âm, nghĩa viết khác cũng được.
- 1731 Thái thường Tự khanh Bùi Vĩ Tiêm dâng khải :"Văn thể đại thành thời Hồng-đức, trung gian một lần biến đổi thành ra noi theo sách xưa, biến lần nữa thành văn tầm chương trích cú. Khoảng đầu Chính-hòa, năm 1694 bắt đầu khôi phục thể văn Hồng-đức nhưng chỉ thi hành ở thi Hương, thi Hội còn đối sách thi Ðình vẫn dùng lối cũ. Chưa đầy 20 năm đầu đề thi Hội lại chia ra từng điều, giải nghĩa từng câu như cũ. Kẻ ra đề thi chọn những bài văn ít người học đến để thí sinh cầu may khó làm nổi... Quan chấm chỉ chăm chăm vào những lời phù phiếm trong đối sách của chư tử để làm câu thần diệu mở đề khiến sĩ tử coi thường việc học kinh sách, chỉ nghiên cứu sách linh tinh, về học thuật cứu chữa thời thế không có lấy nửa chữ coi được, mưu lược sửa chữa tệ hại không có một lời dùng được.
Xin khôi phục văn thể Hồng-đức : văn sách nên giảm bớt điều mục văn cổ, hỏi đại lược phải trái để xem học lực sâu nông, văn kim hỏi cơ nghi, thời vụ để xét mưu trí cao thông (18).
- 1751 định lệ thi Hương, thi Hội, thi Ðình đều phải theo thể văn thời Hồng-đức.
- Thời Trịnh Sâm (1767-82), Ngô Thì Sĩ cũng dâng khải xin sửa đổi văn thể, kể hết các mối tệ : "Thời Hồng-đức, kinh nghĩa tùy ý đặt lời, không cứ chương nào, thiên nào, tứ lục dùng cả cổ sử và công việc bản triều... có khi đùng sử truyện và sách ngoài cùng tả cảnh, nếu không xem rộng không làm bài được. Người có học còn phải nghĩ làm cho đủ quyển, sức đâu mà làm hộ cho người khác, kẻ dốt không dám vào thi... Nay chỉ tìm tòi những câu hiểm hóc, cốt hỏi cho học trò không nhớ thì mới là giỏi... Học trò làm văn, về quốc sử và thời vụ chỉ biết qua loa, trả lời cẩu thả, không có gì là thực dụng đáng kể, cũng không có gì là tư tưởng khả quan... Người học khá thì thừa sức làm thay cho người dốt, sửa đổi qua loa một vài đoạn, không nộp một lúc để khỏi trùng kiến... số đỗ Tam trường thì nhiều mà văn lý thì ít dùng được... Văn thể ngày càng thấp hèn, nhân tài ngày càng kém sút...
Xin : Kinh nghĩa nên bỏ lối thiếp quát, văn sách thì cấm hỏi vụn vặt... xét văn chương tinh hay tạp mà phân biệt sĩ tử... như thế thì học nghiệp có thành hiệu, nhân tài nẩy ra nhiều, đủ cung cho nhà nước dùng" (19).
B - Thời nhà Nguyễn
- Năm 1833, vua dụ : "Thi Hương, thi Hội nên có bản mẫu hành văn, nên xét thể văn tam trường của Bắc triều, chọn làm mẫu : 30 bài Kinh nghĩa, lối văn "Bát cổ" ; 20 bài thơ ngũ ngôn, thất ngôn, có nêu hai chữ "Phú đắc" ở đầu ; 20 bài phú luật ; 10 bài văn sách, chép thành 31 bộ chia cho Quốc tử giám và Học quan địa phương theo đấy mà dậy.
- 1850 Phép thi Hương, Hội : Thi vấn sách nếu có hỏi về quốc sử, thời sự, thì phải làm đúng theo sự thực trong sách, không được chỉ dùng lối sáo ngữ trả lời qua loa. Người ra đề không được theo ý riêng để soi mói (20).
- 1853 Ðổi thi 3 kỳ. Riêng thơ phú không thi mà thi chiếu, biểu, luận. Ðề chế nghĩa có ám tả, trước hết phải chép một, hai câu cẩn án để nêu rõ đại ý. Văn sách đổi làm 10 câu hỏi : Ngũ kinh 5 câu, Truyện 2 câu, Bắc sử 3 câu. Sĩ tử làm 5 câu là đủ : 1 Kinh, 1 Truyện, 1 Kiêm Kinh, 2 sử.
- 1876 Lại thi thơ phú, bỏ tứ lục.Văn sách trước hết hỏi một câu tổng mạo, kế tới liên hệ việc cổ, sau mới tới đoạn lớn như phép thi cũ. Chế nghĩa chỉ giữ phần trung giải, hậu giải. Phúc hạch trước dùng ngũ ngôn 8 vần, nay dùng chíếu hay biểu, bổ sung vào chỗ thiếu bài văn tứ lục.
- Chi tiết khoa 1886 (trường Nam-định) Tổng Trú sứ Paulin Vial có lẽ là người Pháp đầu tiên được xem những quyển thi đã nhận xét :"Tôi được xem đề mục các kỳ thi (khoa 1886) và ngạc nhiên nhận ra một số vấn đề đang làm các quan trong triều bối rối đã được nêu ra (...) Tôi chú ý đến những ý kiến sâu sắc, tế nhị của các nông dân sống ở những miền hẻo lánh, xa xôi, nghèo đói (...) Ta có thể dễ dàng nói là ở Bắc kỳ có một công luận, và nếu chúng ta không khéo lèo lái thì nó đủ mạnh để gây những khó khăn lớn cho chúng ta".
Sau đây là một vài đoạn trích văn bài các quyển thi :
- Ðề mục trường 1 : Phép xã giao đối với bạn hữu và người ngoại quốc.
Bài làm của một thí sinh :"Chúng ta gìn giữ quyền lợi quốc gia. Với tư cách một ông quan hướng vào người ngoại quốc, thỉnh cầu họ giúp những điều hữu ích cho nước nhà như thao luyện quân sĩ, tăng gia tài nguyên (...) Các ông đến đây chúng tôi lấy làm quý hóa, chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng nơi các ông (...) Một ngọn bút có giá trị ngang với hàng ngàn quân sĩ bởi vì sao ? bởi vì học văn thì đùng trí tuệ, học võ thì dùng can đảm, xưa kia có người làm một bài thơ mà đuổi được cả một đạo quân binh".
- Ðề mục trường 3 : Thí sinh nghĩ gì về đương triều và cuộc khởi nghĩa của văn thân ?
Bài làm : "Ðương kim hoàng đế (Ðồng-khánh) là một vị vua có khả năng và tận tâm (...) có tài giữ nước, đã ký kết hòa bình với nước Ðại Pháp (...) Văn thân, anh hùng của các tỉnh Quảng-nam, Thanh, Nghệ, nổi dậy có phải là làm bổn phận đối với vị hoàng đế xuất bôn (Hàm-nghi), khiến cho đương kim hoàng đế phải lo ngại, buồn rầu ? Những người ấy không biết hành động tùy thời cơ, họ không thực sự là anh hùng (...). Những quân phiến loạn tự xưng là anh hùng chưa chịu đầu hàng bởi trót đi quá xa trên con đường tội lỗi (...) và cũng vì đức độ của nhà vua chưa thấm nhuần đến họ (...). Tôi cúi xin hoàng thượng mở lượng khoan hồng (...) họ sẽ vứt bỏ vũ khí, bán gươm bán giáo để tậu trâu mua bò mà theo nghề nông" (21).
- Khoa 1894 (trường Nam-định) Sau đây xin trích một đoạn văn bài mà J. Boissière cho biết đã được các khảo quan khuyên chằng chịt những dấu khuyên xanh, đỏ khiến ta có cảm tưởng như đang đứng trước một vườn hoa xuân :
Ðề mục : " Mùa đông người ta khơi con sông Thu" (22).
Bài làm : "Có bao giờ một con sông lại có thể bảo vệ cho một nước ? Trước hết, ta hãy tìm "đức", chỉ có "đức" mới cho ta sức mạnh để lập một chính phủ tốt, dựa vào nhân bản, lúc đó quốc gia sẽ thịnh vượng. Ta không thể trông cậy vào một dòng nước mà mong thịnh trị. Nếu nhà vua mà thiếu đức độ thì kẻ thù vẫn vượt qua được dòng nước, mặc dầu có lính canh phòng (...). Liệu một con sông Thu bảo vệ được những gì ? Nếu không có người chống giữ thì con sông dùng được việc gì ? Phải chăng để cho người đời đứng ngắm dòng nước trong mà thở dài ?".
CHÚ THÍCH 1 - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 252.
2 - Lều Chõng, tr. 84 - Cổ Văn, tr. 24-5.
3 - Thực Lục, XV, tr. 211-2.
4 - Vũ Trung Tùy Bút, tr. 158.
5 - Khoa Mục Chí, tr. 20 - Cương Mục, XVIII, tr. 60-1 - Sử Ký của Tư Mã Thiên, tr. 729.
6 - Trần Tiến, Ðăng khoa Lục Sưu giảng, tr. 166.
7 - Công Dư Tiệp Ký, III, tr. 84-6.
8 - Khoa Mục Chí, tr. 20.
9 - Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 66.
10 - La Sơn Phu Tử, tr. 33.
11 - Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tr. 8 - N.T. Luật, Bốn con yêu..., tr. 116, 139.
12 - Giai Thoại Làng Nho..., tr. 610.
13 - Thực Lục, XVI, tr. 311-2.
14 - Thực Lục, XXVI, tr. 344.
15 - Thực Lục, XXXI, tr. 278.
16 - Nguyễn Tường Phượng, Tri Tân, số 79, 7 Janv. 1943, tr. 10.
17 - J. Boissière, Examens triennaux de Nam-định, tr. 423-7.
J. Boissière (1863-1897) năm 1885 đi tuỳ tùng P. Bert. Sau mất ở Hà-nội.
18 - Khoa Mục Chí, tr. 25 - Tục Biên, tr. 40, 128-9.
19 - Khoa Mục Chí, tr. 20-21.
20 - Hương Khoa Lục, tr. 294.
21 - P. Vial, Nos premières années au Tonkin, tr. 477-83. Bài này nịnh bợ ra mặt, thế mà P. Vial lại cho là "tế nhị" !
P. Vial (1831-1907) tháp tùng Toàn quyền P. Bert và khi P. Bert chết cuối năm 1886, quyền tạm thay P. Bert trong vài tháng. Ðược coi là một viên quan cai trị xuất sắc.
22 - J. Boissière, tr. 425-7.
Chưa rõ đích xác tên con sông vì J. Boissière viết không có dấu. Tôi chỉ tìm được một điển tích là ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử, có con sông Thù, Khổng Tử thường ra đấy giảng đạo nên người ta cũng gọi người theo đạo Khổng là "Thù tử", tuy nhiên tích này không ăn nhập mấy với đề mục.
Kinh Lễ có chỗ nói tới sông Thú, nhưng ở phần chú thích lại viết là sông Thù.
[ Trở Về ]